Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.446
Tháng 03 : 67.782
Tháng trước : 35.349
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đường Hồ Chí Minh – nơi hội tụ những nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật quân sự của Đảng và Quân đội ta

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, không quản ngại gian khổ, hy sinh; bằng mưu lược và trí sáng tạo tuyệt vời, một con đường huyền thoại đã ra đời, đóng góp vô cùng quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, một tuyến đường vận tải chiến lược được xây dựng để chi viện cho chiến trường với sự đa dạng về thành phần lực lượng và hoạt động tác chiến, thực sự là một sáng tạo chiến lược độc đáo, đóng góp giá trị to lớn vào nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Ra đời tháng 5 năm 1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Con đường đã được khai sinh đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên Đường Hồ Chí Minh.

Đường Trường Sơn trong chiến tranh. Ảnh tư liệu

Sau Hiệp định Pa-ri được ký kết, xuất hiện một đặc điểm nổi bật là: hình thành hai vùng có chiến sự và không có chiến sự trên tuyến vận tải chiến lược, do Mỹ đã rút và ngụy quân không đủ sức ngăn chặn. Đặc điểm này đưa lại thuận lợi hết sức to lớn đối với công tác vận tải quân sự của ta trong giai đoạn chuẩn bị mọi mặt để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Để tranh thủ thuận lợi đó, chấp hành Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng (Khóa III), Quân ủy Trung ương chỉ đạo nhanh chóng chuyển toàn bộ tuyến 559 lên quy mô hoạt động lớn, hoàn chỉnh thế trận hậu cần chiến lược phía trước của quân đội, nhằm tiếp nhận sự chi viện hết sức to lớn của hậu phương, tạo nguồn cơ sở vật chất kỹ thuật tại chỗ phong phú, bảo đảm cơ động lực lượng nhanh tới các hướng, thực hiện thắng lợi các đòn tác chiến chiến lược khi thời cơ xuất hiện.

Phát biểu tại Hội nghị mừng công của Bộ đội Trường Sơn, năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Sự ra đời và phát triển của tuyến Đường Hồ Chí Minh là “Một trong những thành công kiệt xuất của đường lối chính trị, quân sự của Đảng ta, là những kinh nghiệm quý báu làm phong phú thêm khoa học và nghệ thuật quân sự của nước ta”. Đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô cùng quý giá.

Thứ nhất: Đường Hồ Chí Minh là biểu hiện cao độ của đường lối chiến tranh nhân dân, là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt chống kẻ thù chung của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân đội ta có hậu phương lớn là miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Phát huy thuận lợi to lớn đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng miền Bắc để làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Miền Bắc khi ấy đã xây dựng, củng cố tiềm lực quân sự và kinh tế; đồng thời, nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc phát huy mạnh mẽ vai trò to lớn của hậu phương chiến lược, làm chỗ dựa vững chắc cho miền Nam trong đấu tranh về chính trị và ngoại giao; đồng thời, chuẩn bị và chi viện sức người, sức của, vũ khí, khí tài trên quy mô chưa từng thấy cho miền Nam để đánh thắng kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai.

Trong hai năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lượng hàng đã giao cho các chiến trường hơn 403.300 tấn. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến Đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh.

Đường Hồ Chí Minh ra đời và phát triển, trước hết bắt nguồn từ nhu cầu của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, Đường Hồ Chí Minh đã không ngừng được củng cố, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng ba nước Đông Dương. Quân và dân ba nước Việt - Lào - Campuchia đã nêu cao tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, xây dựng và bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược.

Đường Hồ Chí Minh là tuyến vận tải chiến lược đã đi qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương, tỏa ra các chiến trường; là huyết mạch, là “khúc ruột” nối với tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc và các tuyến vận tải của chiến trường ba nước Đông Dương, chi viện đắc lực cho chiến trường Lào và Campuchia; tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng của ba nước Đông Dương tiến lên giành thắng lợi quyết định vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Nhân dân các dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia trên tuyến đường đi qua đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà, góp phần xây dựng, bảo vệ con đường trong suốt những năm chiến tranh. Tình đoàn kết quân dân ba nước anh em thêm gắn bó bền chặt.

Thứ hai: Đường Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng giải quyết vấn đề “không gian rộng” của chiến trường, “thời gian ngắn” của chiến tranh

Trong chiến tranh, cơ động kịp thời những binh lực lớn là một yếu tố đặc biệt quan trọng để tạo nên sức mạnh áp đảo quân địch trên từng hướng, trong từng thời điểm nhất định, góp phần quyết định thành bại của trận chiến. Với hoàn cảnh kinh tế nói chung và tiềm lực quốc phòng nói riêng của nước ta trong thời kỳ đó, lời giải của vấn đề “cơ động binh lực lớn kịp thời” là phát triển mạnh đường cơ giới liên hoàn vững chắc, tạo nguồn dự trữ vật chất tại chỗ dồi dào, sẵn sàng tập trung những phương tiện vận tải cơ giới. Đó chính là sự quán triệt tư tưởng quân sự của Đảng và nguyên tắc cơ bản của công tác hậu cần quân đội ta trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, Đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài với tổng chiều dài gần 17.000 km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc.

Với mạng đường phong phú, liên hoàn, Đường Hồ Chí Minh đã nối liền hậu phương lớn tới các chiến trường, tới các khu vực tiếp giáp địch trên các hướng tác chiến. Do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ động lực lượng và binh khí kỹ thuật, vận chuyển vật chất kỹ thuật bảo đảm cho các chiến dịch thắng lợi. Cũng nhờ mạng đường đã vươn vào sát khu vực tác chiến, nên sau khi tiến công thắng lợi ta đã nhanh chóng nối liền mạng đường của ta với mạng đường ở phía địch, tận dụng được cả mạng đường có sẵn để cơ động lực lượng và vận chuyển. Đây là một thành công lớn, một biện pháp chiến lược rất cơ bản bảo đảm cho cuộc hành quân thần tốc của các cánh quân vào tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đúng thời gian quy định.

Trên cơ sở “thế” đã chuẩn bị mà phát huy “lực” có sẵn, tuyến Đường Hồ Chí Minh đã cùng với tuyến hậu phương quốc gia, kết hợp với tuyến hậu cần chiến dịch bảo đảm đắc lực cho bộ đội ta tiến công liên tục, chia cắt chiến lược, bao vây chiến dịch, truy kích thần tốc, tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn. Thực tế đã chứng minh rằng, nếu không tổ chức thành công tuyến vận tải Đường Hồ Chí Minh thì chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công năm 1975.

Thứ ba: Trong chiến tranh hiện đại, tuyến vận tải quân sự là một khâu trọng yếu cần tập trung mọi khả năng, tinh thần và lực lượng, các phương án tác chiến để bảo vệ

Đây là sự phát triển mới cả về lý luận và thực tiễn của Đảng và Quân đội ta trong việc lựa chọn đối tượng trọng yếu của công tác chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật giai đoạn này. Theo đó, tuyến vận tải là khâu liên kết giữa kho và đơn vị; tuyến vận tải vừa là kho trung chuyển, vừa là đơn vị sử dụng vũ khí trang bị; tuyến vận tải là một chiến trường. Đó là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chính trị, quân sự và khoa học, nghệ thưật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam để giải quyết thành công một loạt vấn đề rất mới thuộc về vận tải chiến lược trong chiến tranh của Quân đội ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Thực hiện chức năng liên kết chặt chẽ sức mạnh vật chất của hậu phương với tiền tuyến, vượt lên cuộc chiến tranh ngăn chặn ác liệt của quân thù, tuyến vận tải đã sử dụng các loại vũ khí trang bị với cường độ cao nhất. Tất cả các loại binh khí kỹ thuật vào chiến trường đều hành quân liên tục qua tuyến vận tải dài hàng nghìn km dọc theo dãy Trường Sơn hiểm trở. Trên mỗi cung, mỗi chặng, mỗi hướng của tuyến vận tải đã hình thành nhiều kho, trạm phức tạp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực sự là một chiến trường ác liệt, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn đánh phá với những loại vũ khí và phương tiện chiến tranh vô cùng hiện đại nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho các chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã trực tiếp tổ chức đảm bảo giao thông vận tải, đánh địch tại chỗ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên các chiến trường thực hiện nhiều chiến dịch lớn, đập tan cuộc “chiến tranh ngăn chặn” của đế quốc Mỹ. Nơi đây thực sự trở thành một chiến trường tổng hợp, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường. Góp phần rất quan trọng để hiện thực hóa phương châm tác chiến “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Thứ tư: Nghệ thuật tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong tổ chức, xây dựng Đường Hồ Chí Minh được phát triển lên một tầm cao mới

Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đã trực tiếp xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh để làm nên những kỳ tích trong mởtuyến đường vận tải chiến lược, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quá trình phát triển của cách mạng miền Nam trong nhiều năm, nhất là từ sau Hiệp định Pa-ri, đã tạo ra tình thế mới làm nảy sinh thời cơ chiến lược lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam. Theo đó, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đã tích cực giáo dục, tuyên truyền sâu rộng về nhiệm vụ và tình thế cách mạng, về thời cơ lớn đang đến gần để chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho từng cấp, từng đơn vị, cho toàn quân và toàn dân. Nhờ vậy, hầu hết cán bộ, chiến sỹ đều thấy rõ thời cơ đang đến, thời cơ có thể xuất hiện bất ngờ, nên cần phải tích cực chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để có thể kịp thời hành động giành thắng lợi giòn giã trên các chiến trường.

Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đã đi sâu vào các giai đoạn: trước, trong và sau chiến đấu để xác định cụ thể nội dung và biện pháp công tác tư tưởng, công tác tổ chức, xây dựng cho cán bộ, chiến sỹ có tinh thần hăng hái, tự tin khi bước vào trận đánh; sáng tạo, dũng cảm, táo bạo trong làm nhiệm vụ và có tính kỷ luật, vững vàng khi ngưng tiếng súng.

Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đã đề ra được những khẩu hiệu hành động đúng lúc và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Những khẩu hiệu đó là sự cụ thể hóa mục tiêu và những biện pháp lớn để thực hiện nhiệm vụ, biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất thông qua hành động chiến đấu của từng đơn vị, từng cán bộ, chiến sỹ. Những năm đầu xây dựng tuyến chi viện chiến lược (1960 -1964), để khắc phục tình trạng bị động do ta chủ trương lánh dân và  địch tăng cường lùng sục, đánh phá ác liệt.Với những khẩu hiệu “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, “Đánh địch mà đi, đánh địch để vận chuyển” đã thực sự tăng thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sỹ.Khi Mỹ - ngụy đánh phá ác liệt trên tuyến Đường Hồ Chí Minh đến mức “rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn”, chúng ta có các khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc” đã trở thành động lực thôi thúc mạnh mẽ bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức đảng, chi đoàn thanh niên, phát huy sức mạnh của đông đảo quần chúng để giải quyết những vấn đề rất cụ thể trong từng tình huống chiến đấu. Các cuộc họp chớp nhoáng của các tổ đảng, cấp ủy, chi bộ, chi đoàn bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của cán bộ, chiến sỹ. Con đường mà bộ đội đang đi tới không ít trở ngại, khó khăn, đối mặt với hy sinh nhưng do hiểu sâu nhiệm vụ, có quyết tâm cao và được tổ chức tốt nên cán bộ, chiến sỹ đã đi, đã đến và chiến thắng.Trong suốt quá trình hành quân, chiến đấu gian khổ, hy sinh, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ luôn tự hào và xúc động khi thấy mình được tham gia làm nhiệm vụ trên con đường mang tên Bác Hồ vô vàn kính yêu. Niềm vinh dự được góp một phần trong trận quyết chiến cuối cùng để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người đã thực sự là vũ khí tinh thần vô địch của cán bộ, chiến sỹ ta.

Thứ năm : Đường Hồ Chí Minh là một minh chứng khẳng định quan điểm kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế rất đúng đắn của Đảng ta

Năm 1973, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đến thăm Bộ đội Trường Sơn, đã chỉ rõ: “Đường Trường Sơn là con đường nối liền Nam Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta”.

Quả đúng như vậy, hiện nay rất nhiều tuyến trên Đường Hồ Chí Minh sau khi nghiệm thu cơ sở đã phát huy hiệu quả, tạo ra diện mạo mới cho nhiều vùng quê từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và từ Bắc chí Nam. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, Đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đường Hồ Chí Minh trở thành trục giao thông chính, nối thông phía Bắc Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và liên thông sang nước bạn Lào và Campuchia.

Đường Hồ Chí Minh là một công trình kỳ vĩ, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là một công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Hiện nay, Đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy vai trò, hiệu quả thực tế. Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), Đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN thân yêu của chúng ta.

H.M.C

* Danh mục tài liệu tham khảo:

- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trận quyết chiến lịch sử Xuân 1975, Hà Nội, 1990.

- Cục Tuyên huấn, Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Hà Nội, 2019.


Tác giả: PCT. Hồ Mạnh Cường
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?