Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 856
Tháng 04 : 44.327
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về người phụ nữ

Tư tưởng nhất quán xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ là nhằm mục đích cao nhất giải phóng con người, ra sức đấu tranh để đòi lại sự bình đẳng, đòi lại những quyền của con người. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giải phóng và đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ. Những tư tưởng đó của người đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2-1949

Trên con đường bôn ba xứ người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm nhận sâu sắc thân phận của những người dân bị áp bức, bóc lột đặc biệt là những người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là ở những nơi bị đô hộ, áp bức, bóc lột của tàn dư phong kiến, thực dân, đế quốc. Đây chính là nỗi đau trăn trở của Bác trong suốt cuộc đời cách mạng, vì vậy, Bác đã có rất nhiều bài nói, bài viết có liên quan đến phụ nữ; qua đó thể hiện một cách toàn diện, sâu sắc và có hệ thống tư tưởng của Bác về người phụ nữ.

Trên báo Tiếng gọi phụ nữ, số Xuân Bính Tuất, năm 1946, Người viết tặng chị em phụ nữ bài thơ:

“Năm mới Bính Tuất

Phụ nữ đồng bào

Phải gắng làm sao

Gây “Đời sống mới”

Việc thành là bởi

Chúng ta siêng mần

Vậy nên chữ cần

Ta thực hành trước

Lại phải kiệm ước

Bỏ thói xa hoa

Tiền của dư ra

Đem làm việc nghĩa

Thấy của bất nghĩa

Ta chớ tham thàn

Thế tức là liêm

Đã liêm thì khiết

Giữ mình làm việc

Quảng đại công bình

Vì nước quên mình

Thế tức là chính

Cần, kiệm, liêm, chính

Giữ được vẹn mười

Tức là những người

Sống “Đời sống mới”. (1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nữ đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III,  tháng 9 năm 1960

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ phụ nữ. Trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị Phụ nữ lao động tiến tiến và Chiến sỹ thi đua toàn thành phố Hà Nội lần thứ hai” năm 1960, sau khi tuyên dương những tiến bộ và những đóng góp của phụ nữ cho cách mạng, Người viết: “Hiện nay trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải:

- Gắng học tập chính trị, học tập văn hoá, kỹ thuật.

- Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa.

- Hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”.

- Đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới”(2). Người luôn đặt hy vọng “chị em phụ nữ cố gắng học tập, tiến bộ nhiều, tiến bộ mãi để xứng đáng làm chủ nước nhà” (3).

Với cách nhìn toàn diện, Bác Hồ đã chỉ rõ vai trò và quyền bình đẳng của người phụ nữ: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”(4); “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng”(5); “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(6).

Tuy Bác Hồ không viết những tác phẩm lớn về vấn đề giải phóng phụ nữ, nhưng từng nơi, từng lúc những câu nói của Người về bình đẳng nam nữ thật giản dị và dễ hiểu. Người nói: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng to và khó”(7).

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Tháng 10/1946 bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức được ban hành, quyền bình đẳng giữa nam và nữ được công nhận. Hồ Chủ tịch nói: “Bản Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”(8). Cụ thể, Điều 9 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Bác phê phán mạnh mẽ vấn đề bạo hành trong gia đình, nhất là hiện tượng chồng đánh vợ. Bác viết “Khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ… Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thực sự bảo đảm” (9).

Từ những phân tích về sự bất bình đẳng nam nữ, Bác Hồ cũng nêu lên các con đường có thể giải phóng phụ nữ và gợi ý từng đối tượng cụ thể. Đối với cán bộ lãnh đạo, Bác phê phán những tư tưởng mang nặng định kiến giới, coi thường phụ nữ. Đối với các đoàn thể phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Đối với chính bản thân người phụ nữ, phải tự đấu tranh vì quyền lợi của mình, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Bác khuyên chị em phụ nữ cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Trong công tác và cuộc sống hàng ngày, Bác Hồ rất coi trọng đào tạo đội ngũ cán bộ và quan tâm, chăm sóc đến cuộc sống của người phụ nữ.

Trong Di chúc, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn dân phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Một hội nghị về công tác phụ nữ của Ban Dân vận trung ương

Hiện nay, Đảng ta thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội; tăng cường giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Phong trào phụ nữ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chị em phụ nữ đã phát huy năng lực, phẩm chất, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, đạt những thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Số lượng và chất lượng cán bộ nữ phát triển không ngừng; số cán bộ nữ tham gia các cấp ủy đảng và giữ các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở ngày càng tăng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, một số người chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, chưa thực sự coi cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ, chưa thấy hết tiềm năng, vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ nên việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chính sách đối với cán bộ nữ chưa đầy đủ, còn có biểu hiện định kiến, khắt khe, cầu toàn, nên đội ngũ cán bộ nữ phát triển chưa vững chắc, mất cân đối, thiếu đồng bộ, phân bố không đồng đều ở các địa phương, các lĩnh vực; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, nạn bạo hành trong gia đình, sự phân biệt đối xử mà nạn nhân là phụ nữ vẫn còn diễn ra; tình trạng buôn bán phụ nữ qua biên giới, nạn mại dâm… vẫn cong tồn tại.

Chính vì thế, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phụ nữ cần được bảo tồn, quán triệt một cách sâu sắc và toàn diện, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cả về nhận thức và hành động trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn lực phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy hết tiềm năng của mình. Đồng thời, bản thân chị em phụ nữ phải luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

N.X.D

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, 2011, tập 4, tr199-200

(2), (3), (4) Sđd, tập 12, tr 511, tr300

(5), (6), (7) Sđd, tập 7, tr 339-340, tr342

(8) Sđd, tập 4, tr 491

(9) Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ, NXBPN, 1970, tr51


Tác giả: VP. Nguyễn Xuân Duy
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?