Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Tháng 04 : 66.202
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận biết và một số biện pháp phòng ngừa “Tín dụng đen” tại Học viện Lục quân

“Tín dụng đen” cho đến nay vẫn là nỗi nhức nhối và gây ra tác động xấu tới xã hội. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “Tín dụng đen” tại Việt Nam gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là thông qua các ứng dụng (app) vay tiền trực tuyến. Để góp phần hạn chế tác hại của “Tín dụng đen”, ta cần nhận biết và có những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả góp phần đẩy lùi vấn nạn này.

“Tín dụng đen” hay còn gọi là cho vay nặng lãi hiện nay đang diễn ra khá phổ biến trong xã hội. Cụm từ này chỉ các dạng hoạt động tín dụng dân sự không qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức tín dụng chính thức, không đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép, không có qui định, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước nào. “Tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật Việt Nam quy định, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Từ những vụ việc cụ thể cho thấy, các hoạt động này chỉ thật sự “ồn ào” khi xảy ra tình trạng vỡ nợ.

Hiện nay, “Tín dụng đen” diễn ra dưới nhiều phương thức, thủ đoạn cho vay tinh vi (phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng, trên mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính, các app ứng dụng vay tiền,…) tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an toàn xã hội. Chúng ta có thể nhận biết hoạt động “Tín dụng đen” với các giao dịch dân sự hợp pháp thông qua các đặc điểm nhận biết sau:

- Về chủ thể cho vay là cá nhân hay một nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính bất hợp pháp;

- Về thủ tục rất nhanh gọn thường 10-30 phút và được thỏa thuận bằng 1 bản hợp đồng, có khi thỏa thuận bằng miệng. Thậm chí khi ta vay qua trang Web hoặc các ứng dụng trực tuyến (App) thủ tục mượn nợ diễn ra chưa đến 30 giây, người dùng không cần chứng minh tài chính mà chỉ cần chụp hình chứng minh nhân dân sau đó tiền sẽ được chuyển vào tài khoản. Không dừng lại ở đó, trong các ứng dụng vay tiền hiện nay, khi đăng ký vay tiền, màn hình sẽ hiện lên yêu cầu cho phép truy cập danh bạ, hình ảnh và vị trí như vậy có thể giúp tăng tỷ lệ hồ sơ được duyệt đến 99%;

- Lãi suất trong hợp đồng rất cao khoảng 100-360%/năm;

- Về hình thức xử lý khi vi phạm cam kết là xử theo luật giang hồ, có riêng đội đi thuê đòi nợ.

Điều 468, Bộ luật dân sự 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực ngày 01/01/2017 qui định về lãi suất cho vay như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, đối với các ngân hàng, công ty tài chính thì mức lãi suất này rơi vào khoảng (20-35)%/năm tức là khoảng 800-1.100 đồng/1 triệu/ngày.

Thực tế, lãi suất cho vay của “Tín dụng đen” rơi vào khoảng (100-360)%/năm tương đương khoảng 3.000-10.000 đồng/1 triệu/ngày.

Như vậy, từ những biểu hiện cụ thể trên, dễ dàng phân biệt được đâu là hoạt động của “Tín dụng đen”.

Tình trạng “Tín dụng đen” khi bị đổ vỡ gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực an ninh trật tự và đời sống xã hội. Có thể đánh giá tác động của vỡ “Tín dụng đen” ở một số khía cạnh khái quát nhất như sau:

- Hậu quả của “Tín dụng đen” khi đổ vỡ, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, cơ hội làm ăn của nhiều người. Theo thống kê của cơ quan chức năng thời gian qua cho thấy, với số tiền các con nợ huy động, đã đẩy nhiều gia đình (trong đó có cả những gia đình quân nhân, là cán bộ lâu năm trong quân đội) đến tận cùng của sự khốn đốn; mất tiền, nhà cửa, đất đai; con cái mất cơ hội học hành, việc làm; tình cảm gia đình bị tổn thất, tan vỡ. Nhiều người là chủ nợ chỉ vì ham lời đã đem tài sản dành dụm cả đời hoặc huy động từ người thân, khi rơi vào vòng xoáy của lãi suất cao, chọn kênh đầu tư không hợp pháp, khi vỡ nợ đã trở thành trắng tay. Trong tâm trạng bức xúc, chủ nợ đau đớn, nóng lòng muốn lấy lại được tài sản thì con nợ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nên việc phát sinh hành vi phạm tội là khó tránh khỏi.

- Tình trạng vỡ “Tín dụng đen” đã nảy sinh nhiều phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đời sống sinh hoạt cộng đồng dân cư. Tình trạng bức bách, cùng quẫn đòi lại tài sản của các chủ nợ càng trở nên căng thẳng và luôn tiềm ẩn phát sinh tội phạm hình sự. Ở các địa bàn có các vụ vỡ nợ đã liên tiếp xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, giết người,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự.

- Cách “giải quyết” khi vỡ nợ “Tín dụng đen” cũng gây nhiều bức xúc trong xã hội, nhiều vụ các đối tượng dùng áp lực, đe dọa; đổ chất bẩn vào nhà, khủng bố bằng nhắn tin, gọi điện đe dọa; đổ xăng, đặt vòng hoa trước cửa nhà hoặc sử dụng súng, chất nổ để giải quyết mâu thuẫn do đòi nợ.

Từ những diễn biến phức tạp của “Tín dụng đen”, có thể nhận thấy do ảnh hưởng của suy thoái, tình hình kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhất định, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến vay, mượn vốn với lãi suất cao do người dân tự huy động vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ gây ra hệ lụy khó lường. Tình trạng “Tín dụng đen” sẽ còn diễn biến theo chiều hướng: Thành phần tham gia “Tín dụng đen” ngày càng gia tăng, mở rộng; mục đích tham gia ngày càng đa dạng; lãi suất huy động ngày càng cao, thủ tục ngày càng đơn giản, thuận tiện, với thủ đoạn tinh vi hơn; qui mô và hệ quả đổ vỡ “Tín dụng đen” ngày càng lớn, mức độ trầm trọng hơn,…

Để khắc phục, hạn chế các tác động xấu từ “Tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số: 12/CT-TTg, ngày 25 tháng 04 năm 2019, Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”; Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch số 7375/KH-BQP, ngày 11 tháng 7 năm 2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen” trong Quân đội.

Theo điều 201, quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cho vay nặng lãi cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mặc dù quy định rõ mức xử phạt cũng như hành vi cho vay nặng lãi trái phép, tuy nhiên theo thống kê các vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan huy động lãi xuất cao, để bắt giữ các đối tượng này không phải điều dễ dàng. Các đối tượng này thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật, trốn tránh sự thu thập chứng cứ của các cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, để phòng chống ảnh hưởng “Tín dụng đen” đối với xã hội cần chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan chức năng có thẩm quyền, nâng cao nhận thức của người dân trong nhận thức chính sách, pháp luật Đng, Nhà nước.

Để nhận thức rõ tính chất nguy hại và nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với “tín dụng đen”, nhằm giữ ổn định đơn vị, bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng trong hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp tại Học viện Lục quân nói riêng và toàn quân nói chung. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần triển khai thực hiện tốt một số biện pháp phòng ngừa sau đây:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến từng quân nhân hậu quả của việc tham gia “tín dụng đen” nhằm nâng cao nhận thức để mọi quân nhân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động liên quan “tín dụng đen”.

- Lãnh đạo, chỉ huy các cấp quản lý chặt chẽ, về mọi mặt đối với quân nhân trong đơn vị, chú ý các mối quan hệ ngoài xã hội. Nắm được tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình; thông qua các tổ chức trong cơ quan, đơn vị quản lý chặt chẽ các giấy tờ tùy thân, như: Chứng minh thư, thẻ đảng, thẻ học viên, bằng lái xe,… định kì có công tác kiểm tra, rà soát. Nếu có những biểu hiện bất thường, bất minh cần phải xác minh, làm rõ tránh để bị động, bất ngờ dẫn đến những hậu quả xấu.

- Phối hợp với địa phương nắm chắc các “cơ sở” cho vay nặng lãi. Phát huy vai trò các tổ chức quần chúng trong đơn vị, nắm chắc hoàn cảnh, mối quan hệ, cũng như lối sống của mỗi quân nhân để có sự phân loại, theo dõi nguy cơ liên quan đến các hoạt động “tín dụng đen”.

- Kịp thời phát hiện các quân nhân có biểu hiện chơi lô đề, cờ bạc, cá độ, chi tiêu ngoài khả năng của bản thân và gia đình,… kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp quân nhân vi phạm pháp luật và thông báo toàn đơn vị để giáo dục chung.

Với những biện pháp trên và sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành và nhất là đối với mỗi gia đình quân nhân trên địa bàn đóng quân của Học viện, sẽ tích cực đẩy lùi các tệ nạn xã hội nói chung, nạn “Tín dụng đen” nói riêng, góp phần xây dựng địa bàn khu dân cư văn minh, văn hóa, an toàn và không tệ nạn xã hội./.

N.T.L


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?