Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.403
Tháng 04 : 62.281
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số vấn đề rút ra từ chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng năm 1972

Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là một trong những chiến thắng vang dội, chấn động địa cầu, là trang sử vàng chói lọi trên mặt trận đối không của bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam, tạo bước chuyển chiến lược quan trọng, quyết định cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc phía Mỹ ngồi vào bàn đàm phán hiệp định Pa-ri và phải rút quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào thủ đô Hà Nội vào những ngày cuối tháng 12 năm 1972 bị quân và dân ta đánh bại đến nay vừa tròn 47 năm. Bốn mươi bảy năm qua, chiến thắng oai hùng “Điện Biên Phủ trên không” đã đi vào lịch sử, nhưng âm vang của nó vẫn còn đọng mãi trong niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ bộ đội Phòng không - Không quân nói riêng. Bài viết xin điểm lại một vài sự kiện về chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải phòng và rút ra một số vấn đề nghiên cứu.

Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17- 12 - 1972, ngay khi Tổng thống Mỹ Ních-Xơn ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân trực tiếp chỉ thị các đơn vị toàn Quân chủng, tập trung vào hai khu vực Hà Nội, Hải Phòng: “Tình hình rất khẩn trương, các đơn vị cần thực sự chuẩn bị cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu, có kế hoạch tiếp tế đạn cho tên lửa, bảo đảm vũ khí trang bị sẵn sàng chiến đấu với hệ số kỹ thuật cao nhất; thông tin liên lạc phải thường xuyên thông suốt; tổ chức báo động kiểm tra các đơn vị”.

Quân và dân miền Bắc đã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.

Ngày 18- 12 - 1972 – những trận đánh đầu tiên, hạ gục tại chỗ “ Siêu pháo đài bay B.52” – thần tượng của không lực Hoa Kỳ:

Sáng 18 -12, nhận được điện chỉ đạo của Phủ thủ tướng và Bộ Tổng Tham mưu, toàn quân chủng Phòng không – Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Sau khi đại đội Radar phát hiện nhiễu tín hiệu máy bay B.52 lúc19 giờ 25 phút  không quân ta được lệnh cất cánh đón các tốp máy bay chiến thuật của địch, và 19 giờ 44 phút cùng ngày, quả tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78, Trung đoàn Tên lửa 257 được phóng lên sau khi liên tiếp các đợt dội bom của nhiềm tốp B.52 địch dội xuống Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm, cuộc chiến đấu 12 ngày đêm của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu.

20 giờ 30 phút, B.52 tiếp tục đánh phá, các tiểu đoàn 5, 59, 94 của Trung đoàn tên lửa 261 được lệnh đánh tập trung, tiêu diệt tốp máy bay 671 đang hướng từ Tam Đảo xuống đánh phá các kho tàng Đông Anh, Cổ Loa. Một kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 tên lửa đã phóng 2 quả đạn từ cự ly tương thích, hạ ngay 1 máy bay B.52. Đây là chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi tại chổ trên bầu trời Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10km. Thắng lợi ngay trong đêm đầu tiên, hạ gục tại chỗ “ Siêu pháo đài bay” thần tượng của không lực Hoa Kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tư tưởng và tác chiến.

Suốt đêm 18 đến rạng sáng ngày 19 tháng 12 quân Mỹ liên tục dội các đợt bom bao gồm cả B.52, F.111 và các máy bay cường kích bắn phá các khu vực nội, ngoại thành nhưng quân và dân ta vẫn anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 3 máy bay B.52.

Ngày 19 – 12 – 1972 –cũng cố lực lượng, tăng cường sức mạnh chiến đấu

Bộ chính trị đã tuyên dương lực lượng phòng không đã chiến đấu dũng cảm, đồng thời cần cảnh giác cao, kết hợp tốt giữa chiến đấu và ngụy trang, quản lý vững chắc vùng trời và thường xuyên sẵn sàng chiến đấu cao.

Ngày 20 – 12 – 1972. Lúc 11 giờ 45 phút, Bộ Tổng tư lệnh điện nhắc nhở các đơn vị phòng không kịp thời rút kinh nghiệm các trận đánh trước, tiếp tục củng cố quyết tâm, tổ chức tốt đội hình chiến đấu, bổ sung đạn dược nhiên liệu, có thể địch sẽ có trận đánh lớn vào thủ đô Hà Nội bằng B.52 và máy bay cường kích.

Đúng như dự đoán, trong đêm 20 tháng 12, địch sử dụng 93 lần chiếc B.52 và hơn 100 lần chiếc máy bay cường kích đánh phá Hà Nội và một số mục tiêu ở Hải Phòng, Thái Nguyên. Trận chiến bắt đầu lúc 19 giờ 27 phút khi tốp B.52 đầu tiên xuất hiện trên vùng trời Tây Bắc. Lần đầu tiên Dân quân Tự vệ Hà Nội lập chiến công xuất sắc bằng 19 viên đạn 14,5mm đã bắn rơi 01 máy bay F.111 của địch, cùng với thành công đó, bộ đội Tên lửa Phòng không bảo vệ Hà Nội cũng đã thực hiện một trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn, bắn rơi 07 chiếc B.52. Tiêu biểu là trận đánh rạng sáng ngày 21 tháng 12: Chỉ trong 09 phút ( từ 05 giờ 02 phút đến 05 giờ 11 phút) các Tiểu đoàn 57, 77, 79 với 06 quả đạn đã bắn rơi 4 chiếc B.52. Ngày 21 – 12 – 1972 đến ngày 24 – 12 – 1972 chiến sự tiếp tục diễn ra ác liệt với sự tăng cường đánh phá của địch trên diện rộng diễn ra với tần suất cao tuy nhiên càng đánh, địch càng bị tổn thất nặng nề dẫn đến lấy cớ nghỉ Noel, đến 24 giờ ngày 24 tháng 12, địch tạm ngừng tập kích để củng cố tinh thần, lực lượng và tìm thủ đoạn đánh phá mới. Trong thời gian đó, Bộ Chính trị cùng Quân ủy Trung ương tổ chức rút kinh nghiệm đồng thời phổ biến đặt ra các tình huống dự kiến tiếp theo với tinh thần “Thắng không kiêu, bại không nản” các đơn vị, đặc biệt là lực lượng Phòng không – Không quân luôn phải chủ động chiến đấu, sẵn sàng  phục kích, đón lõng địch trên hướng tiến công. Ngày 26 -12 – 1972 địch tiếp tục sử dụng máy bay trọng tâm là B.52 với sự hộ tống của nhiều máy bay chiến thuật đã ồ ạt, liên tục, đồng thời nhiều hướng tập trung đánh phá nhiều mục tiêu trên cả 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Đây là trận tập kích đường không lớn nhất và là trận then chốt trong cuộc tập kích đường không chiến lược của địch. 22 giờ 24 phút, Đại đội 174 pháo 100mm của Trung đoàn Pháo Phòng không 252 Quân khu Việt Bắc bắn rơi 01 chiếc B.52 lúc 22 giờ 40 phút, B.52 ồ ạt ném bom rải thảm dữ dội vào tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội, khu phố Khâm Thiên và khu phố Hai Bà Trưng bị tàn phá nặng nề, tuy nhiên với tinh thần anh dũng, sáng tạo lực lượng Phòng không – Không quân của ta đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 08 máy bay B.52 và 10 máy bay chiến thuật khác. Điều đặc biệt trong trận này lần đầu tiên Quân khu Việt Bắc anh dũng bắn rơi 1 chiếc B.52 dù không có khí tài Radar hổ trợ phát hiện mục tiêu nhưng với cách đánh thông minh sáng tạo, phối hợp tốt với mạng lưới Radar cảnh giới quốc gia đã làm nên chiến tích hiển hách ấy. Đây là chiến thắng then chốt, quyết định nhất, bắn rơi nhiều máy bay B.52 nhất trong 09 ngày chiến đấu. Chiến thắng này đã làm suy sụp hẳn tinh thần và ý chí của giới cầm quyền nhà Trắng, Lầu Năm Góc và giặc lái Mỹ.

Ngày 27 – 12 – 1972 – lần đầu tiên Không quân tiêu diệt B.52 của địch.

Trong ngày địch tiếp tục thực hiện kế hoạch ném bom đánh phá vào nội, ngoại đô Hà Nội và các vùng lân cận bằng B.52 và các máy bay F.111, F.4… nhưng với sự chỉ đạo kiên quyết cùng quyết tâm của quân dân ta đã liên tục lập những chiến công hiển hách, có một điều đặc biệt là lực lượng không quân đã đánh rơi chiếc B.52 đầu tiên được điều khiển bởi đồng chí Phạm Tuân trên máy bay Mig.21. Lúc 22 giờ 20 được lệnh cất cánh từ sân bay Yên Bái, vượt qua hàng rảo bảo vệ của máy bay tiêm kích F.4, tiến về đội hình máy bay B.52 của địch, tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần và đã giáng một đòn đánh nặng đánh rơi B.52 của địch. Chiến công này cùng với đội hình Pháo phòng không đã tiếp tục khẳng định ý chí quyết thắng, tinh thần sáng tạo, phong trào thi đua “giết giặc lập công” của bộ đội ta. Ngày 29 -12-1972 là trận đánh cuối cùng kết thúc chiến dịch. Do bị tổn thương nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, đến ngày 29 tháng 12, máy bay B.52 của địch chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài, không dám tập trung lực lượng ở tọa độ lửa Hà Nội, về phía ta, các Tiểu đoàn tên lửa 72, 78, 79 bố trí ở vòng ngoài tham gia đánh B.52 đã bắn rơi 1 máy bay B.52 và 1 chiếc F.4. Đây là trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cuối tháng 12 năm 1972.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu (từ 18 đến 29 tháng 12 năm 1972), bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng; bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B.52, 5 máy bay F.111, 21 máy bay F.4D, 12 máy bay A.7, 1 máy bay F.105, 4 máy bay AD-6, 1 máy bay HH-53, 1 máy bay không người lái; bắt nhiều phi công Mỹ. Từ chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, có thể rút ra một số vấn đề sau đây:

Một là: Sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Trung ương Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương

Để đối phó với cuộc tập kích đường không chiến lược cuối tháng 12 năm 1972, Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã chủ động nhận định, dự báo tình hình, chuẩn bị mọi mặt, trước hết là về chiến lược. Ngay từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo đúng tình hình và chỉ đạo Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân phải thường xuyên quan tâm, theo dõi chặt chẽ, nắm chắc về máy bay B.52 và hoạt động của nó; phải tìm cách đánh cho được B.52 của địch.

Đầu năm 1968, Bác Hồ đã triệu tập đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và đồng chí Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đến báo cáo tình hình với Bác. Sau khi báo cáo tình hình, Bác nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội rồi nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm, càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Trên cơ sở nhận định của Bác, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân và các quân khu “Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc”

Cuối tháng 11 năm 1972, Quân ủy Trung ương tiếp tục nhận định: Có thể đế quốc Mỹ liều lĩnh dùng máy bay B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân “phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trước ngày 3 tháng 12 … Trước ngày Ních - Xơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, phải nắm chắc địch, tuyệt đối không để bị bất ngờ, tập trung mọi khả năng để tiêu diệt B.52”. Ngày 24 tháng 11 năm 1972 kế hoạch tác chiến phòng không bảo vệ thành phố Hà Nội, Hải Phòng đã được cấp trên phê chuẩn.

Hai là: Nắm chắc địch, chủ động chuẩn bị về mặt chiến thuật, chiến dịch và mưu trí, sáng tạo tìm được cách đánh B.52.

Nắm chắc ý định địch sử dụng không quân chiến lược ném bom Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác miền Bắc Việt Nam, ngoài tổ chức các lực lượng nắm địch trên không, quản lý bầu trời, ngay từ năm 1968, Quân chủng Phòng không - Không quân đã sử dụng các đơn vị tên lửa vào tuyến lửa Vĩnh Linh cùng lực lượng vũ trang và nhân địa phương đánh trả máy bay địch và nghiên cứu cách đánh B.52. Đến tháng 9 năm 1967, sau một thời gian đánh địch, dày công nghiên cứu, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn tên lửa 238 đã bắn rơi chiếc “Siêu pháo đài bay” B.52 đầu tiên của đế quốc Mỹ. Chiến công này đã tác động rất lớn đến tư tưởng, quyết tâm chiến đấu, củng cố niềm tin và khẳng định khả năng bắn rơi máy bay B.52 của bộ đội Phòng không – Không quân. Đồng thời, trên cơ sở đó, biên soạn tài liệu, hướng dẫn cách đánh B.52.

Từ năm 1968 đến năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử 4 Trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MIC.21 vào Quân khu 4 để chi viện cho Chiến dịch Trị - Thiên và nghiên cứu cách đánh B.52. Chính vì vậy, khi địch sử dụng B.52 đánh vào Hà Nội, chúng ta không bị bất ngờ.

Máy bay B.52 là thần tượng, là niềm tự hào, “con át chủ bài” của Không lực Hoa Kỳ. Cho đến nay, trên thế giới chưa có lực lượng phòng không nào bắn rơi B.52; chỉ có bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam với sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô về vũ khí, sử dụng, khai thác có hiệu quả bằng trí tuệ và lòng quả cảm đã bắn rơi B.52. Ngày 18 tháng 12, trận đánh đầu tiên mở đầu chiến dịch, Tiểu đoàn tên lửa 59 phóng 2 quả đạn từ cự ly tương thích đã bắn hạ 1 máy bay B.52. Đây là chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, cách trận địa bố trí chưa đầy 10 km. Rút kinh nghiệm trận chiến đấu trước, các ngày sau đó, chúng ta đã bắn rơi nhiều máy bay, trong đó có nhiều “siêu pháo đài bay” B.52. Kết quả đợt 1 của chiến dịch, lực lượng Phòng không - Không quân bắn rơi 18 chiếc; đợt 2 bắn rơi 16 chiếc B.52.

Có được kết quả đó, bộ đội ta đã làm công tác chuẩn bị trước đó về lực lượng, phương tiện, vũ khí và tìm ra cách đánh. Cuốn “cẩm nang đỏ” mang tên “Cách đánh B.52 của bộ đội tên lửa” ra đời kịp thời đã đúc kết trong gần 7 năm đối đầu với B.52 và các thủ đoạn hoạt động của không quân Mỹ. Chúng ta đã tìm ra cách đánh hay, đã “vạch mặt” được B.52 trên nền nhiễu, phân biệt được mục tiêu thật, giả; tránh được tên lửa tự dẫn của địch. Đồng thời, chọn được thời cơ đánh máy bay địch có lợi, hiệu quả nhất.

Ba là: Sử dụng lực lượng phù hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng đánh máy bay địch

Trong chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng, chúng ta đã thành công trong xây dựng thế trận cài xen, sử dụng lực lượng phòng không phù hợp để bắn máy bay địch trong đó lấy lực lượng Phòng không - Không quân làm nòng cốt. Bố trí phòng không đã kết hợp nhiều lực lượng để bảo vệ mục tiêu hình thành các cụm phòng không Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Đường 1, Thái Nguyên. Trong quá trình tác chiến, ta đã chú trọng chuyển hóa thế trận, điều chỉnh lực lượng, cơ động tác chiến linh hoạt; phối hợp chiến đấu giữa phòng không và không quân; kết hợp giữa tên lửa phòng không và pháo phòng không...

Phát huy khả năng chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân đánh địch rộng khắp, vừa tập trung hiệp đồng tiêu diệt lớn, vừa tổ chức đánh địch tại chỗ, rộng khắp trên các địa bàn. Ngoài ra, chúng ta đã tổ chức ngụy trang, làm trận địa giả, mục tiêu giả nghi binh lừa địch. Nhờ đó, đã tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc, đánh địch ở mọi độ cao, nhiều tầng từ xa đến gần, từ nhiều hướng tới, phát huy tối đa khả năng chiến đấu của từng lực lượng.

Lực lượng trinh sát phòng không đã tổ chức quan sát phát hiện máy bay địch từ xa, rộng khắp, thông báo, báo động kịp thời cho các đơn vị chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu và nhân dân trú ẩn. Bộ đội ra đa đã cung cấp tình báo cho các đơn vị hỏa lực; dẫn đường cho không quân đánh địch trên không.

Tên lửa phòng không là lực lượng chủ yếu đánh máy bay B.52 bố trí bảo vệ mục tiêu trọng yếu nhất là khu vực Hà Nội chiếm gần 50% lực lượng.

Pháo phòng không được bố trí rộng khắp đánh máy bay bay thấp, bay bằng, bổ nhào ném bom ở độ cao trung bình và thấp để bảo vệ các mục tiêu quan trọng, trận địa tên lửa, sân bay…

Không quân là lực lượng đánh địch từ xa, độ cao lớn, từ bất cứ hướng nào tới; là lực lượng phá vỡ đội hình địch, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa phát hiện chính xác B.52.

Lực lượng phòng không bộ đội địa phương và Dân quân Tự vệ được tổ chức tại địa bàn, đánh máy bay bay thấp bảo vệ các mục tiêu ở địa phương. Ngoài nhiệm vụ đánh máy bay địch, lực lượng này còn làm nhiệm vụ vây bắt giặc lái, phục vụ chiến đấu.

Các lực lượng khác như công an, cán bộ, nhân viên các cơ quan nhà máy, xí nghiệp tổ chức phục vụ chiến đấu, bảo đảm an ninh, động viên, giúp đỡ các lực lượng ngày đêm canh giữ bầu trời. Chính vì vậy, trong 12 ngày đêm chúng ta đã bắn rơi nhiều máy bay địch bảo vệ vững chắc bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, hạn chế thấp nhất tổn thất do bom đạn địch gây ra.

Bốn là: Sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, bè bạn quốc tế và nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới

Để có chiến thắng B.52 trên bầu trời Hà Nội, đầu năm 1965, chúng ta có sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô về vũ khí, đạn dược, đào tạo cán bộ quân sự có thể sử dụng các loại vũ khí hiện đại. Khi Liên Xô giúp ta về tên lửa phòng không SAM.2 bộ đội phòng không đã sử dụng có hiệu quả, phát huy tính năng của vũ khí đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

Khi chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II” diễn ra, đế quốc Mỹ đã bị phản đối rất mạnh mẽ trên khắp thế giới. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, bè bạn yêu chuộng hòa bình trên thế giới đứng về phía Việt Nam, cổ vũ, động viên, giúp đỡ Việt Nam đánh thắng B.52.

Bốn mươi bảy năm qua, âm vang trận chiến đấu “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không vẫn còn mới mẻ như ngọn lửa không bao giờ tắt. Đó là niềm tự hào, là chiến thắng của ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam.

Trong giai đoạn cách mạng mới, tác chiến phòng không mở ra rộng lớn trên toàn lãnh thổ từ đất liền đến biển, đảo. Lực lượng Phòng không – Không quân được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Vì vậy, sẵn sàng chiến đấu cao, không để Tổ quốc bị bất ngờ là phương châm hành động của bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

- Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Hà Nội, 2015.

- Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Lịch sử Quân chủng Phòng không, Hà Nội, 1994.

- Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Hà Nội, 2012.

V.T.S


Tác giả: KQC. Vương Thanh Sơn
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?