Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.038
Tháng 04 : 49.183
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số biện pháp trong xây dựng "Nhà trường không khói thuốc lá" ở Học viện Lục quân

Theo các nhà khoa học, khi một người hút mỗi điếu thuốc, cơ thể sẽ phải tiếp xúc hơn 7000 loại hóa chất khác nhau, trong đó có hàng trăm loại hóa chất độc hại; có khoảng 70 chất gây ung thư. Các hóa chất trong khói thuốc lá di chuyển từ phổi đến các mạch máu. Máu trong động mạch lại mang các hóa chất này đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, hút thuốc dù chỉ một điếu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Những người không hút thuốc nhưng thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc cũng tăng khả năng gặp các vấn đề sức khỏe.

Ở trẻ em, khói thuốc lá có liên quan đến các bệnh hen suyễn và các nhiễm khuẩn ở phổi như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ cao mắc hội chứng đột tử (SIDS). Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 7,1 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó có khoảng 900.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Do đó, việc ngăn chặn hiểm họa từ việc hút thuốc hiện đang được rất nhiều quốc gia, nhiều tổ chức chăm sóc sức khỏe con người; các tổ chức bảo vệ môi trường đều quan tâm và được coi không chỉ là trách nhiệm của một quốc gia mà là tất cả các nước trên thế giới. Từ năm 2020, Tổ chức y tế thế giới (WHO) lấy ngày 31 tháng 5 hàng năm là "Ngày thế giới không thuốc lá", nhằm khuyến khích trong 24 giờ không có khói thuốc trên toàn thế giới; nhiều quốc gia đã có nhiều giải pháp hữu hiệu trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá.

Đối với nước ta, Đảng, Nhà nước thực sự quan tâm giải quyết vấn đề phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngày 18 tháng 6 năm 2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua "Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá"; ngày 25 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 229/QĐ - TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”, trong đó xác định "Giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra"; với quan điểm chỉ đạo "Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá phải được sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và phải được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất liên ngành. Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá là giải pháp chủ đạo và phải được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược về nâng cao sức khỏe để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng" đồng thời "Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các Bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng". Song song với đó là hàng loạt các thông tư, chỉ thị, hướng dẫn của các Bộ, Ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, trong lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị xã hội nhằm tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng và đầy đủ về tác hại của thuốc lá gây ra đối với con người và môi trường sống. Với hàng loạt giải pháp căn cơ, cụ thể, được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân nên trong những năm gần đây số lượng người sử dụng thuốc lá đã giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống văn bản qui phạm pháp luật, các chế tài áp dụng với các hành vi vi phạm vào các qui định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nơi tập trung đông người hay việc quản lý trong sản xuất, lưu hành thuốc lá ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Đối với lực lượng vũ trang, việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, được xác định không chỉ là thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật, mà còn giữ gìn chính sức khỏe của bản thân, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đồng thời góp phần vào việc xây dựng "môi trường không khói thuốc lá" và xây dựng "nếp sống văn hóa nơi công sở". Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay ở nhiều cơ quan, đơn vị trong Quân đội nói chung, ở Học viện Lục quân nói riêng, còn khá nhiều quân nhân hút thuốc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, phong cách "Bộ đội Cụ Hồ", vi phạm vào nếp sống văn hóa nơi công sở; do vậy, đối với lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước hạn chế, hướng tới mục tiêu "Nhà trường không khói thuốc lá". Do đó, lãnh đạo, chỉ huy, cấp ủy các cơ quan, đơn vị trong Học viện cần tiến hành một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, thường xuyên làm tốt việc quán triệt nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chỉ thị số 102/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ thị của Giám đốc Học viện đến mọi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan - binh sĩ. Việc quán triệt cần tiến hành trong các tổ chức, các lực lượng, lồng ghép trong các buổi giao ban, sinh hoạt tập trung, làm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức sâu sắc được sự cần thiết phải phòng, chống tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc bỏ thuốc lá. Để từ đó những người có thói quen hút thuốc lá sẽ tự nguyện, quyết tâm bỏ thuốc lá, người không hút thuốc lá sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động mọi người "nói không với thuốc lá".

Hai là, tăng cường giáo dục xây dựng ý thức trách nhiệm trong phấn đấu thực hiện mục tiêu "Nhà trường không khói thuốc lá". Qua các hoạt động thực tiễn cho thấy, việc giáo dục xây dựng ý thức trách nhiệm có vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả thực hiện "Nhà trường không khói thuốc lá". Cần tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động; phát huy vai trò của pano, khẩu hiệu, truyền thanh nội bộ, trang tin điện tử... Coi trọng các các hình thức trực quan, các hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; các quy định của Chính phủ, quân đội và đơn vị về cấm hút thuốc lá... tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn, tọa đàm có chủ đề về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của con người; đặc biệt, cán bộ chủ trì đơn vị phải gương mẫu đi đầu, tuyệt đối không hút thuốc lá, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động người thân, đồng đội nói không với thuốc lá.

Ba là, xây dựng, nhân rộng những đơn vị "điểm" không khói thuốc. Để xây dựng những đơn vị "điểm" không khói thuốc lá, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị được lựa chọn phải có chủ trương, biện pháp cụ thể, kiên quyết trong chỉ đạo, kiên trì thực hiện. Phấn đấu xây dựng đơn vị thực sự mẫu mực đi đầu trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các chỉ thị, quy định, cuộc vận động, phong trào thi đua có liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá. Từ đó làm gương để các đơn vị khác học tập, noi theo và đơn vị không khói thuốc được nhân rộng trở thành phổ biến trong toàn Học viện.

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức trong cơ quan đơn vị cùng tham gia các hoạt động tuyên truyền, thực hiện phòng chống tác hại của thuốc lá, xây dựng "Nhà trường không khói thuốc lá" : Phụ nữ, đoàn viên công đoàn trong các cơ quan, đơn vị tích cực vận động người thân trong gia đình và cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị bỏ thuốc lá. Đoàn Thanh niên triển khai xây dựng mô hình "Chi đoàn không khói thuốc lá" với 100% đoàn viên, thanh niên cam kết bỏ thuốc và không hút thuốc lá. Gắn chỉ tiêu trong cơ quan, đơn vị không có người hút thuốc với việc đánh giá, khen thưởng của các tổ chức công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh niên ở đơn vị cơ sở. 

Năm là, khen thưởng, xử phạt nghiêm minh trong chấp hành qui định không hút thuốc lá; nêu gương những cán bộ, chiến sĩ đã bỏ thuốc thành công, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và môi trường đơn vị. Đồng thời phê bình những tập thể, cá nhân còn hút thuốc lá sai quy định. Giao ban ngày và tuần ở các cấp, người chỉ huy phải báo cáo kết quả xây dựng môi trường đơn vị "không khói thuốc lá" và chịu trách nhiệm nếu trong cơ quan, đơn vị mình vẫn còn tình trạng hút thuốc lá; nghiêm cấm bán thuốc lá trong căng tin, không để gạt tàn, điếu cày trong đơn vị; treo biển cấm hút thuốc lá ở tất cả mọi nơi… Lấy kết quả thực hiện bản cam kết của cá nhân về thực hiện các chỉ tiêu thi đua trong phong trào thi đua quyết thắng, trong đó có nội dung về cấm hút thuốc lá để làm tiêu chí để nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên. Đồng thời làm cơ sở để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chi bộ, cán bộ chủ trì đơn vị, phong trào thi đua hàng tháng, hàng quí hoặc thi đua đột kích của từng cơ quan, đơn vị.

Học viện phấn đấu để đạt tiêu chuẩn "Nhà trường không khói thuốc lá", đây là một chủ trương đúng đắn, quan trọng, sát với tình hình thực tế và nhu cầu xây dựng nếp sống văn hóa văn minh ở đơn vị của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, hạ sĩ quan - binh sĩ phải nêu cao trách nhiệm, quyết tâm xây dựng Học viện Lục quân trở thành "Nhà trường không khói thuốc lá", để trở thành một mô hình điển hình trong hệ thống nhà trường quân đội có môi trường văn hóa lành mạnh, môi trường tự nhiên trong lành, trở thành đơn vị mẫu mực, đi đầu trong toàn quân về thực hiện Phong trào thi đua "Nói không với thuốc lá"./.

L.Đ.Đ


Tác giả: KSPQS. Lương Đức Đại
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?