Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.762
Tháng 03 : 65.641
Tháng trước : 35.349
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học viện Lục quân xây dựng mô hình “nhà trường thông minh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong thời đại mới

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nhanh chóng các lĩnh vực đời sống xã hi trong đó có giáo dục. Nhiều trường Đại học, Học viện đang có xu hướng, chiến lược trong phát triển lên mô hình mới “nhà trường thông minh” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học trong tình hình mới. Là một trung tâm huấn luyện lớn trong quân đội, Học viện Lục quân cũng đang lấy đây là mục tiêu hướng tới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt giáo dục đại học trước những thách thức mới diễn ra nhanh. Các trường đại học có thể chưa dự đoán hết được các kỹ năng mà thị trường lao động cần. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống sẽ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng.

Các trường đại học, học viện có xu thế phát triển lên một thế hệ mới được gọi Đại học 4.0 (Đại học thông minh hay nhà trường thông minh). Hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn cả về nội dung chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo và mô hình quản lý hệ thống đào tạo (quản trị đại học). Dưới góc độ quản lý đào tạo, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến hệ thống giáo dục có thể được phân chia thành 2 nhóm chính: Khả năng đào tạo ra nguồn nhân lực và xây dựng mô hình quản lý đào tạo đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể thấy, việc phát triển một nhà trường trở thành nhà trường thông minh đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại. Nhà trường thông minh là một cuộc cách mạng về trường học hiện đại theo hình thức, phương thức mới thông minh và hiệu quả hơn. Nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng mô hình nhà trường thông minh. Ở nước ta, việc tiếp cận và triển khai mô hình nhà trường thông minh chủ yếu lấy “Quản trị nhà trường điện tử” làm trọng tâm và phát triển thông minh hơn một số các tiêu chí phù hợp với nhu cầu, điều kiện và nguồn lực có thể có của từng trường và từng giai đoạn. Các Học viện, Nhà trường Quân đội cũng đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình nhà trường thông minh phù hợp chức năng, nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong Quân đội.

Chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện Lục quân trong những năm qua luôn giữ ổn định ở mức cao, học viên của Học viện tốt nghiệp ra trường được phân công đảm nhiệm các vị trí ban đầu thích nghi nhanh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ tại đơn vị. Nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong thực tế và đã phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc triển khai dự án “Xây dựng nhà trường thông minh đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là hết sức cần thiết. Triển khai Kế hoạch “Hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo” được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, Học viện Lục quân là một trong số Nhà trường Quân đội được lựa chọn làm điểm đầu tư xây dựng mô hình nhà trường thông minh. Trung tướng, PGS, TS Hoàng Văn Minh - Giám đốc Học viện đã chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định, tiến hành khảo sát 7 nội dung chính bao gồm các hệ thống: Hạ tầng CNTT; phòng học tiên tiến; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); đào tạo trực tuyến; trung tâm học liệu; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và nguồn nhân lực CNTT. Học viện đã xác định mục tiêu “xây dựng Học viện Lục quân theo mô hình giáo dục thông minh trên cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, đồng bộ theo tiêu chí trường đại học thông minh nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động quản lý, điều hành, đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Việc đầu tư được tổ chức thí điểm, trên cơ sở đó đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện mô hình “giáo dục thông minh” sao cho phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, làm cơ sở để triển khai nhân rộng mô hình này ở các Nhà trường khác trong Quân đội. Đến năm 2030, Học viện Lục quân tiệm cận được với các nhà trường thông minh hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Trong những năm gần đây, Học viện Lục quân tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học; triển khai ứng dụng CNTT trong các nhiệm vụ; quy hoạch, sử dụng hiệu quả hệ thống phòng học chuyên dùng, trung tâm học liệu - thư viện, cơ sở dữ liệu học liệu đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo. Phần lớn các hoạt động của Học viện đều ứng dụng CNTT, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và cải cách hành chính của Học viện. Trước sự phát triển của thực tiễn, Học viện Lục quân đặt ra yêu cầu phải bổ sung, đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình, phương pháp dạy học để tiếp cận những đột phá của công nghệ mới; hình thức và phương pháp đào tạo gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Việc quản lý, điều hành giáo dục - đào tạo và tổ chức hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học phần lớn dựa trên hệ thống công nghệ và nội dung số. Vì vậy, việc xây dựng, chuẩn hóa hệ thống CNTT, hệ thống phòng học, phương tiện dạy học; cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới toàn diện phương thức quản lý, điều hành giáo dục đào tạo và tổ chức hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học tại Học viện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 là rất quan trọng.

Xây dựng nhà trường thông minh cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực làm nội dung cốt lõi kết hợp xây dựng hạ tầng công nghệ hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học. Cần có lộ trình và bước đi thích hợp trong từng giai đoạn cụ thể, đòi hỏi không chỉ đổi mới phương tiện, thiết bị, hạ tầng công nghệ mà quan trọng hơn là đổi mới quy trình, thay đổi thói quen, nhận thức của mỗi người. Quá trình xây dựng nhà trường thông minh phải có sự kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được, tránh đầu tư trùng lặp, dàn trải, không sát với chức năng, nhiệm vụ của Học viện.

Để xây dựng thành công nhà trường thông minh, Học viện Lục quân đang triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, ảo hóa tài nguyên chung. Với sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, BigData,... các tài nguyên dùng chung của Học viện cần được ảo hóa trong mạng điện toán đám mây nội bộ (triển khai trên mạng LAN). Ngoài ra, có thể tiến hành ảo hóa những mô hình trong huấn luyện, đào tạo như: Các phòng thí nghiệm chuyên ngành ảo; sa bàn ảo; địa hình ảo; các mô hình vũ khí trang bị qua các hệ thống mô phỏng,...

Hai là, xây dựng hạ tầng huấn luyện, đào tạo thông minh. Bao gồm khai thác hệ thống điện toán đám mây nội bộ (không sử dụng hệ thống điện toán đám mây công cộng, kết nối Internet) để quản trị dữ liệu của chương trình, nội dung huấn luyện, các phòng học, các thao trường, các phòng thí nghiệm tập bài cũng như thông tin của học viên, giảng viên.

Xây dựng trung tâm dữ liệu với các phần mềm là các hệ thống thông minh trợ giúp quản lý đào tạo, xếp lịch huấn luyện, hỗ trợ ra các quyết định huấn luyện, diễn tập, quản lý các trang bị phục vụ huấn luyện. Xây dựng hệ thống an ninh và hệ thống thông minh vạn vật kết nối để cung cấp các ứng dụng và dữ liệu cho học viên, giảng viên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học.

Ba là, xây dựng giảng đường, thư viện, thao trường thông minh. Ứng dụng công nghệ mạng, kết nối thông qua hệ thống mạng nội bộ và mạng truyền số liệu quân sự, xây dựng mạng kết nối từ các phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm đến trung tâm điều hành của Học viện. Các phòng học, phòng tập bài, phòng thí nghiệm, Trung tâm bảo đảm và huấn luyện thực hành, Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh cần được trang bị các thiết bị công nghệ thông minh để quản lý về an ninh, phân cấp, phân quyền trong quản lý và điều hành. Mỗi cán bộ, giảng viên, học viên sử dụng thẻ điện tử để khai thác khu vực giảng đường, thư viện, thao trường đúng chức năng, nhiệm vụ và nội dung, đảm bảo an ninh an toàn thông tin.

Bốn là, quản lý, điều hành thông minh. Đó là việc sử dụng các trang thiết bị, hệ thống CNTT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà trường như: Hệ thống kiểm soát an ninh (thẻ điện tử, camera giám sát, hệ thống kiểm soát vào ra và thẻ RFID kiểm soát cá nhân), các thiết bị số thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, thiết bị nhúng) để khai thác các hệ thống quản lý thông tin điêu hành phục vụ lãnh đạo, chỉ huy của Học viện và các đầu mối cơ quan, khoa, đơn vị. Xây dựng các trung tâm điều hành huấn luyện với các hệ thống hỗ trợ người chỉ huy và cơ quan trong huấn luyện, diễn tập đến từng đầu mối đơn vị. Tổ chức cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý thông tin chỉ huy, điều hành trực tuyến trong mạng nội bộ Học viện.

Ngoài ra một vấn đề then chốt là đổi mới cơ chế vận hành, quy trình thực hiện nhiệm vụ và cải cách thủ tục hành chính sâu rộng trong tất cả các ngành để nâng cao chất lượng quản lý điều hành Học viện.

Năm là, kết nối chặt chẽ giữa Học viện với các cơ quan cấp trên và các đơn vị. Một trong những yếu tố để xây dựng nhà trường thông minh là cần tạo kết nối chặt chẽ giữa Học viện với cơ quan quản lý cấp trên như: Cục Nhà trường/Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị theo lĩnh vực đào tạo của tng Học viện, nhà trường như: Cục Tác chiến, Cục Quân huấn, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân,... để nắm bắt về chủ trương huấn luyện, đào tạo; nhu cầu, chỉ tiêu đào tạo thực tế, cung cấp những thông tin từ thực tế hoạt động của đơn vị nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo.

Theo Trung tướng GS, TS Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu), Cách mạng công nghiệp 4.0 với trọng tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số, xử lý dữ liệu lớn,… đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội. Với sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhiều khí tài, vũ khí trang bị kỹ thuật thế hệ mới được đưa vào trang bị của Quân đội. Từ đó, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Là một trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của Quân đội và Nhà nước, Học viện Lục quân cùng với các Nhà trường, Học viện khác trong Quân đội xác định phải là những đơn vị nòng cốt trong triển khai ứng dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong Quân đội, xây dựng Học viện, Nhà trường Quân đội theo mô hình nhà trường thông minh, mang tầm vóc khu vực và quốc tế. Hiện nay, Học viện Lục quân đã có chương trình hành động, trong đó đưa ra những nội dung, giải pháp thực hiện, tập trung vào những lĩnh vực bao gồm: Nâng cao nhận thức trong toàn Học viện; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; đổi mới công tác giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ; tăng cường công tác xây dựng cơ sở vật chất và xây dựng các phòng học thông minh,… Trong không khí sôi nổi chào mừng Đại hội Thi đua Quyết thắng Học viện Lục quân giai đoàn 2014-2019 và 5 năm tiếp theo 2019 - 2024, với mô hình Nhà trường thông minh Học viện Lục quân sẽ hình thành quy trình, công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành, triển khai hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phù hợp xu thế phát triển của thời đại mới./.

N.T.L


Tác giả: PTT. Nguyễn Tùng Lâm
Nguồn:Học viện Lục quân Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?