Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.486
Tháng 04 : 44.957
Tháng trước : 72.315
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa Chiến dịch với công tác giáo dục - đào tạo ở Học viện Lục quân

Khoa Chiến dịch tiền thân là Khoa Chiến lược - Chiến dịch và hai bộ môn Đường lối quân sự, Lịch sử chiến tranh (Chiến sử) thuộc Hệ Quân sự - Học viện Quân chính, nay là Học viện Lục quân, là đơn vị đảm nhiệm giảng dạy về Chiến lược quân sự, Nghệ thuật chiến dịch và Lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam cho cán bộ Quân đội ta, sỹ quan một số nước bạn và nghiên cứu khoa học quân sự. Lịch sử xây dựng và trưởng thành của Khoa luôn gắn liền với lịch sử xây dựng và trưởng thành của Học viện Lục quân.

Trải qua hơn 60 năm (03/3/1961 - 03/3/2021) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, khoa Chiến dịch luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc và các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cơ quan chức năng; thực tiễn tình hình, nhiệm vụ của Học viện để chỉ đạo cán bộ, giảng viên vận dụng sát với từng bài giảng, bài tập, biên soạn giáo trình, tài liệu, sách tổng kết chiến thuật, chiến dịch... các công trình nghiên cứu khoa học, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng một số lượng lớn cán bộ chỉ huy - tham mưu trung, cao cấp, các thạc sĩ, tiến sĩ quân sự cho Quân đội ta, Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong các thời kỳ của cách mạng.

Với nhiệm vụ chính trị trung tâm là nghiên cứu khoa học và giảng dạy các môn học: Nghệ thuật chiến dịch và Lịch sử nghệ thuật quân sự cho các đối tượng học viên trong và ngoài Học viện. Cán bộ giảng viên khoa Chiến dịch luôn quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong các thời kỳ của cách mạng. Đặc biệt là bám sát quan điểm: “Lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường bám sát chiến trường”, “Học những gì chiến trường cần thiết, bám sát và phục vụ cho chiến trường, vận dụng những kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc, nội dung sát thực”, “Gắn nhà trường với đơn vị, lý thuyết với thực hành, chú trọng chất lượng và hiệu quả thực tế, gắn huấn luyện với nghiên cứu khoa học” trong xây dựng nội dung chương trình, thể hiện qua từng bài giảng, bài tập.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Khoa đã tham gia nghiên cứu tổng kết các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, tiếp thu có chọn lọc lý luận chiến dịch của quân đội các nước Liên-xô, Trung Quốc gắn vào điều kiện thực tế Việt Nam để giảng dạy cho các đối tượng học viên. Nhiều tưởng định chiến dịch đã gắn chặt với nhiệm vụ tác chiến trên chiến trường, phù hợp với địa hình và với đối tượng tác chiến của Quân đội ta. Đặc biệt, năm 1974 Khoa đã chủ biên xây dựng Tưởng định Chiến dịch Tây Nguyên mang ký hiệu “874”, lấy chiến trường Tây Nguyên làm địa bàn mở chiến dịch, Buôn Ma Thuột là mục tiêu mở đầu chiến dịch để tập huấn cho lớp Bổ túc cao cấp quân sự toàn quân (kí hiệu K2). Đây là tưởng định có nhiều điểm tương đồng với thực tiễn đã xảy ra của Chiến dịch tiến công Tây Nguyên (1975), nhất là việc chọn Buôn Ma Thuột là mục tiêu mở đầu chiến dịch, việc xác định đánh địch đổ bộ đường không xuống khu vực Nông Trại - Phước An là hoàn toàn chính xác. Đó  chính là kết quả của vấn đề gắn việc học tập với thực tiễn chiến trường đặt ra, phản ánh đúng đắn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện trong công tác huấn luyện, nghiên cứu khoa học, đã thực hiện đúng đắn phương châm bám sát và gắn nhà trường với thực tế chiến đấu trên chiến trường; phản ánh đúng tư duy của cán bộ, giáo viên khoa Chiến dịch rất sáng tạo và thực tiễn; học thuật không tách rời thực tiễn mà luôn gắn liền với thực tiễn chiến đấu. Đây cũng chính là niềm tự hào, là Truyền thống của khoa Chiến dịch để mọi thế hệ cán bộ, giảng viên của Khoa kế thừa và phát triển.

Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt trong những năm gần đây, Khoa luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy. Công tác chuẩn bị giảng dạy cho các đối tượng học viên thường xuyên được tiến hành chu đáo, từ bồi dưỡng, phân công giảng viên, thông qua bài giảng, tưởng định chặt chẽ; tiến hành đi khảo sát, nghiên cứu thực tế các địa bàn và đơn vị khi xây dựng tưởng định chiến dịch huấn luyện tại Học viện; đổi mới phương pháp thi, kiểm tra. Nhờ vậy mà các bài giảng, tưởng định, bài tập luôn gắn với các phương án trên những địa bàn trọng điểm, được học viên và đơn vị coi như những phương án có thể vận dụng vào tác chiến khi có chiến tranh xảy ra. Có thể nói lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn với chiến trường và đơn vị, nghiên cứu và giảng dạy những gì mà đơn vị cần là quan điểm chỉ đạo cũng như tâm huyết của mọi cán bộ, giảng viên và nó cũng là một trong những truyền thống của khoa Chiến dịch.   

Hiện nay, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Lục quân lần thứ XIII. Khoa Chiến dịch với nhiệm vụ giảng dạy thường xuyên cho các đối tượng học viên trong Học viện, tham gia giảng dạy giáo dục quốc phòng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các học viện, nhà trường phía Nam theo liên kết, biên soạn tài liệu, chuyên đề, bài giảng, tưởng định, bài tập và đề thi đáp án cho các môn học, hướng dẫn viết luận văn, luận án cho các đối tượng học viên. Để thực hiện nhiệm vụ đó, việc xây dựng chương trình, xác định nội dung, tìm ra phương pháp dạy học thích hợp là rất quan trọng. Trong xu thế đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện của toàn Học viện, khoa Chiến dịch đã chủ động đề xuất, tham mưu cho Đảng uỷ và Ban Giám đốc về các giải pháp thực hiện đổi mới các môn học do Khoa đảm nhiệm theo hướng rút ngắn thời gian lên lớp, tăng thời gian tự nghiên cứu cho học viên, cắt bỏ nội dung trùng lặp hoặc không cần thiết, phát huy tính tự giác, tích cực, sáng tạo của người học, kết hợp lý luận với thực tiễn, coi trọng truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu trong quá trình huấn luyện…; đồng thời, Khoa đã chủ động đề xuất cải tiến phương pháp thi, kiểm tra linh hoạt phù hợp với từng đối tượng (vấn đáp, viết, trắc nghiệm, đề mở). Để làm được việc đó Khoa rất chú trọng bồi dưỡng năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là giảng viên mới bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp như: cử đi học, đi thực tế, bồi dưỡng lẫn nhau thông qua giao bài, giảng thử, lấy tự học là chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao và thực sự là những người kế tiếp truyền thống vẻ vang của Khoa. Nhờ vậy mà hiện nay đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Khoa đều có phẩm chất chính trị, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học tốt, tâm huyết với nghề, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phấn khởi, tự hào với lịch sử vẻ vang và những thành tích đạt được trong hơn 60 năm qua. Cán bộ, giảng viên khoa Chiến dịch quyết tâm khắc phục khó khăn, đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo, lập thành tích cao nhất chào mừng Kỷ niệm 61 năm ngày thành lập Khoa (03/3/1961 - 03/3/2022), với các mục tiêu đề ra là: nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chuẩn bị chu đáo các bài giảng, bài tập, duy trì nghiêm qui trình, qui chế huấn luyện, vận dụng tốt phương pháp giảng dạy, phương pháp thi, kiểm tra môn học, phấn đấu nhiều bài giảng có chất lượng. Hoàn thành tốt, đúng thời gian các công trình nghiên cứu khoa học được giao. Xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, Khoa vững mạnh toàn diện, xứng đáng là Khoa giảng dạy chuyên ngành nghệ thuật quân sự, Khoa có uy tín cao trong Học viện, góp phần xây dựng Học viện thực sự trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự hùng mạnh của Quân đội. Xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng ủy, Ban Giám đốc, các cơ quan và các khoa giảng viên cũng như các thế hệ học viên trong toàn Học viện Lục quân Anh hùng./.


Tác giả: KCD. Nguyễn Đình Chung
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?