Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Học tập và làm theo TT, ĐĐ, PC HCM

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Phòng, chống diễn biến hòa bình

Tìm kiếm

Tìm kiếm

Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 40
Tháng 03 : 66.376
Tháng trước : 35.349
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học viện Lục quân với ngày khoa học và công nghệ Việt Nam

Cách đây 58 năm, vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng, chính phủ đến dự và chỉ đạo Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ Nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Trong bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ cho đội ngũ làm công tác khoa học và công nghệ Việt Nam. Người khẳng định: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó...; khoa học phải từ sản xuất mà ra, phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong Nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963 (Ảnh tư liệu, theo http://baochinhphu.vn)

Thấy được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, ngay từ khi đất nước vừa được giải phóng, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, năm 1976, Đảng ta xác định: “Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng; cách mạng quan hệ sản xuất; cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, văn hóa; trong đó, cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”.

Qua quá trình lịch sử, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có mặt trong mọi ngành khoa học, mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đội ngũ trí thức Việt Nam đã nỗ lực nghiên cứu khoa học, tăng cường trao đổi, phổ biến kiến thức, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nền khoa học và công nghệ Việt Nam ngày càng hiện đại và hội nhập với những nền khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Trên từng lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội đến quốc phòng - an ninh, đều xuất hiện những tấm gương điển hình như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị; Giáo sư Tôn Thất Tùng trong ngành y; Tiến sỹ Lương Đình Của trong ngành nông nghiệp; những cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại như: Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Xí nghiệp đóng tàu Ba Son... bước đầu góp phần tạo dựng nên một danh thế cho nền khoa học và công nghệ để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp khoa học và công nghệ nói chung, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, ngày 18 tháng 6 năm 2013, Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thống nhất lấy ngày 18 tháng 5 hng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đối với Quân đội ta, công tác khoa học và công nghệ luôn bám sát thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng, lấy việc phục vụ nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là mục tiêu hàng đầu; đồng thời, góp phần tạo nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Học viện Lục quân là một trung tâm giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự trung, cao cấp cho quân đội; đồng thời, là một trung tâm nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự lớn và có uy tín của Quân đội ta. Nhiều công trình khoa học của Học viện đã được vận dụng phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của Quân đội ta trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng nhưng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay. Gần 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện đã đào tạo trên 598 khóa học, với 57.547 học viên, là cán bộ chỉ huy - tham mưu cấp trung, sư đoàn, chuyên ngành các binh chủng, cán bộ quân sự địa phương cấp huyện (quận), tỉnh (thành phố) cho Quân đội ta và cán bộ quân đội hai nước bạn Lào, Campuchia anh em. Đặc biệt, đã đào tạo 3 khóa cao cấp lý luận chính trị, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị cho 7 khóa, xác nhận, cấp chứng chỉ trình độ cao cấp lý luận chính trị cho các đồng chí đủ tiêu chí theo quy định. Về công tác đào tạo sau đại học, Học viện đã đào tạo trên 63 khóa nghiên cứu sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Hoàng gia Campuchia; 58 khóa cao học của Quân đội ta và Quân đội nhân dân cách mạng Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Song song với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Quân đội, với sự nỗ lực phấn đấu của bao thế hệ cán bộ, giảng viên qua các thời kỳ, công tác nghiên cứu khoa học ở Học viện Lục quân đã đạt được những thành tích to lớn, không chỉ có tác dụng trực tiếp phục vụ nhu cầu nhiệm vụ giáo dục – đào tạo trong Học viện mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu của Học viện đã được áp dụng vào thực tiễn, phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho công cuộc xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang Nhân dân ta trong chiến tranh giải phóng trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trong 15 năm gần đây, Học viện đã triển khai, nghiên cứu, biên soạn hoàn chỉnh nhiều đề tài cấp Bộ Quốc phòng, Tổng cục, Học viện và hệ thống tài liệu, giáo trình đưa vào giảng dạy tại Học viện Lục quân và ở các đơn vị trong toàn quân. Nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, Học viện cũng đã triển khai nghiên cứu nhiều chuyên đề khoa học cấp Học viện, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; với những sáng kiến cải cải tiến kỹ thuật này, đã áp dụng trực tiếp vào hoạt động của các đơn vị và mang lại hiệu quả cao. Công tác tổng kết lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, Học viện Lục quân đã biên soạn và xuất bản nhiều tập sách về tổng kết chiến tranh, tổng kết trận đánh, lịch sử Học viện Lục quân và lịch sử của các đơn vị. Với số lượng các công trình như vậy, Học viện xứng đáng là một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của Quân đội, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục – đào tạo.

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa – trí tuệ của con người Việt Nam.

N.N.N


Tác giả: PKHQS. Nguyễn Như Ngạn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo mới
Thư viện ảnh
Thăm dò ý kiến
GIAO DIỆN

Bạn thấy giao diện của trang website Học viện Lục quân như thế nào?